Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

TCM - Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 28/08/2024

CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành công 

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận TCM và một số doanh nghiệp dệt may

Giá trị hợp lý: 55.000đ/cp (theo DSC)

  • KQKD phục hồi mạnh mẽ

Trong Q2/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TCM lần lượt đạt mức 847 tỷ (+19% YoY) và 72 tỷ (+3.052% YoY). Doanh thu thuần và LNST của TCM 6T/2024 lần lượt đạt mức 1.781 tỷ (+12% YoY) và 135 tỷ đồng (+136% YoY). Với kết quả này TCM đã lần lượt hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu thuần và 85% kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2024.

  •  SY Vina sẽ bắt đầu mang lại doanh thu vào quý 3

Trong quý vừa rồi TCM đã tiến hành việc sát nhập nhà máy SY Vina với giá trị 468 tỷ đồng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhà máy SY Vina dự kiến sẽ mang lại khoảng 17 triệu USD doanh thu cho TCM trong năm nay và doanh thu sẽ bắt đầu được ghi nhận vào Q3. Việc sát nhập nhà máy dệt nhuộm mới này sẽ giúp cho TCM gia tăng nguồn vải tự cung cũng như tăng cường năng lực trong khâu dệt nhuộm từ đó hướng đến việc thực hiện các đơn hàng may mặc có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó với việc vị trí nằm gần các nhà máy của TCM, SY Vina cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí logistic cũng như giúp gia tăng khả năng xử lý nước thải khi công suất xử lý nước thải tại đây lên đến 3.000m3/ngày, cao gấp đôi so với công suất của nhà máy Vĩnh Long (dự án TCM dự kiến thực hiện trước khi quyết định sáp nhập SY Vina với chi phí ước tính khoảng 50 triệu USD).

  • Tình hình đơn hàng ổn định, triển vọng tích cực

Tính đến thời điểm hiện tại TCM đã nhận được 90% và 86% đơn đặt hàng cho Q3 và Q4/2024. Mặc dù trong 1H/2024 giá bán trung bình sản phẩm may mặc chưa có nhiều cải thiện, tuy nhiên với việc nhu cầu tiêu thụ thường tăng mạnh vào cuối năm cũng như lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính dần suy giảm, giá đơn hàng dự kiến sẽ bắt đầu hồi phục từ đó giúp cho KQKD của TCM tiếp tục cải thiện

  •  Biên lợi nhuận gộp tiếp tục phục hồi ấn tượng

Trong Q2/2024, BLNG của TCM đạt mức 18,04%, tăng gần 500 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu đà tăng trong 4 quý liên tiếp. Động lực hỗ trợ cho BLNG của TCM chủ yếu đến từ việc giá các nguyên vật liệu đầu vào như bông và sợi tiếp tục neo ở mức rất thấp. Cụ thê,̉giá bông hiện nay đang tiệm cận ở vùng đáy trong vòng 4 năm và vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện

  • Việc sát nhập nhà máy không làm gia tăng nợ vay.

Tổng nợ vay trong Q2/2024 của TCM đạt mức 694 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm cũng như ghi nhận mức giảm trong 4 quý liên tiếp. Nhờ vậy mà chi phí lãi vay của TCM trong quý giảm về mức vỏn vẹn 5 tỷ đồng (-50% YoY). Cơ cấu tài chính lành mạnh không chỉ giúp TCM tránh rủi ro về mặt thanh khoản mà còn giúp cho doanh nghiệp có dư địa lớn để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai khi mà ngành dệt may phục hồi hoàn toàn trở lại.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

NKG - Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 27/08

CTCP THÉP NAM KIM 

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận NKG và một số doanh nghiệp ngành thép

Giá trị hợp lý: 25.000 đ/cp (theo AGR)

 KQKD quý 2/2024 và 7 tháng năm 2024 duy trì tăng trưởng:

  • Trong quý 2/2024, NKG ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 2,9% yoy và LNST đạt 219,63 tỷ đồng, tăng 75% yoy nhờ sản lượng tôn mạ tăng và doanh thu tài chính tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ, đạt 113,6 tỷ đồng. Lũy kế 6T/2024, doanh thu đạt hơn 10.951 tỷ đồng, tăng 11% yoy và LNST đạt 369,7 tỷ đồng, tăng gấp 4,85 lần yoy.
  • Về tình hình tiêu thụ: Sản lượng bán hàng trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 546,8 nghìn tấn tôn mạ, tăng 28,6% yoy và chiếm 17% thị phần cả nước trong đó xuất khẩu đạt 402,8 nghìn tấn, tăng gần 30% yoy và bán hàng nội địa đạt 143,9 nghìn tấn, tăng 25% yoy

 Kỳ vọng KQKD của NKG sẽ tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm nhờ: (1) Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Nam Kim (chiếm 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu) tiếp tục tăng trưởng nhờ ngành xây dựng và sản xuất ô tô hồi phục; (2) Thị trường xây dựng trong nước sôi động hơn nhờ các bộ Luật Bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024 kỳ vọng đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới giúp nhu cầu tôn mạ nội địa gia tăng. Ngoài ra sản lượng nội địa của NKG sẽ được cải thiện nếu biện pháp áp chống bán phá giá tạm thời thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vụ việc AD19. Hiện nay Bộ Công thương đang tiến hành điều tra, kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể sẽ được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024 nếu có đầy đủ các bằng chứng về việc bán phá giá.

Triển vọng dài hạn từ mở rộng công suất: NKG đã bắt đầu triển khai giai đoạn 1 dự án Nam Kim Phú Mỹ từ quý 2/2024 với dự kiến hoàn thành vào quý 4/2025 hoặc Q1/2026. Ban lãnh đạo kỳ vọng dự án sẽ đạt 100% công suất vào năm 2027, nâng tổng công suất của công ty lên 2 triệu tấn/năm và là động lực tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

TCB - Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 26/08/2024

NH TMCP Kỹ thương Việt Nam

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận TCB và một số cổ phiếu ngân hàng

Giá trị hợp lý: 28.200 (theo PHS), 29.600 (theo KBSV)

Chi phí vốn thấp cho phép TCB cung cấp lãi suất cho vay cạnh tranh trong khi vẫn duy trì mức NIM cao, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho TCB. Chi phí huy động vốn của TCB giảm 75 bps so với cuối năm 2023 còn 3.88%, thuộc những ngân hàng thấp nhất hệ thống trong bối cảnh xu hướng lãi suất huy động đang tăng trở lại, nhờ duy trì tỷ lệ CASA cao và tối ưu cơ cấu huy động vốn. Nếu bao gồm tài khoản sinh lời tự động, tỷ lệ CASA ổn định ở mức 40%, là vị trí cao thứ hai trong ngành. NIM của TCB đã cải thiện 43 bps so với cuối năm 2023 lên 4.49%, chủ yếu nhờ lợi thế về chi phí huy động. Mức NIM này nằm trong bốn ngân hàng cao nhất trong ngành.                  

TCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng ấn tượng bất chấp quy mô thuộc top ngành, thêm vào đó nguồn thu đang dần được đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro tín dụng. Tăng trưởng tín dụng vào cuối H1 2024 của TCB đạt 12.5%YTD, thuộc những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. TCB đã đa dạng hóa các nguồn thu nhập của mình với tỷ lệ thu nhập từ phí cao. Hoạt động của các công ty con như TCBS và TechcomCapital cũng dần đóng góp vào Thu nhập ròng.

Cho vay mua nhà có dấu hiệu hồi phục tích cực, góp phần dẫn dắt tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ giải ngân cho vay mua nhà mạnh hơn trong quý 2 đến từ những tín hiệu phục hồi từ thị trường BĐS, đặc biệt là khi nhiều dự án của VHM mở bán tại Hà Nội và Hải Phòng. Giải ngân mới trong quý 2 đạt 31,157 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ quý 3/2022 đến nay. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khiến tỷ lệ khách hàng tất toán sớm các khoản vay vẫn ở mức cao.

Chất lượng tài sản được củng cố bởi bộ đệm vốn mạnh với tỷ lệ CAR cao, nguồn vốn dồi dào và dự phòng dày. Vào cuối H1 2024, tỷ lệ nợ xấu của TCB tăng 7 bps lên 1.23%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng điều chỉnh tăng mạnh gấp đôi lên 2.9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chất danh mục nợ của TCB tập trung vào các tài sản đảm bảo giá trị cao và là một trong ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành – 101%. Thêm vào đó, bất chấp việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% (tương ứng 5 nghìn tỷ đồng) nhưng CAR của TCB vẫn ở mức trên 14% vào cuối Q2 2024

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

HPG - Cập nhật thông tin doanh nghiệp 22/08/2024

HPG - CTCP TẬP ĐOÀN HÒA PHÁT (ngành thép) 

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận HPG và một số doanh nghiệp ngành thép

Giá trị hợp lý: 44.984 đ/cp (theo Funan)

(1) Dự án Dung Quất 2 sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho giai đoạn sau 2024. Dự án Dung Quất 2 khi đi vào hoạt động cả 2 giai đoạn có thể mang về khoảng 80 – 100 nghìn tỷ doanh thu mỗi năm cho HPG. Ngoài ra sẽ giúp gia tăng năng lực sản xuất thép HRC nhằm dẫn đầu thị trường nội địa.

(2) Nhu cầu ngành xây dựng dự kiến phục hồi trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trong năm 2024, đi kèm sự phục hồi từ thị trường bất động sản.

(3) Giá Thép xây dựng dự kiến phục hồi khi đang giao dịch với mức nền thấp kể từ tháng 7 năm 2023 đến nay. Nhờ sự phục hồi từ thị trường bất động sản nội địa và các chính sách kích thích nền kinh tế từ Chính Phủ.

(4) Thị phần xuất khẩu thép dẫn đầu cả nước với doanh thu thuần từ xuất khẩu đạt 34,287 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu năm 2023. Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát chủ yếu như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu… HPG có thể giữ vững vị thế dẫnđầu xuất khẩu, trong bối cảnh nhu cầu thép thế giới phục hồi chậm tăng 2.1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng trưởng tiêu dùng trung bình hàng năm là 1.2% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2026.

(5) Đường sắt cao tốc Bắc Nam đang mở ra cơ hội mới cho HPG khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất Thép phục vụ cho dự án này. Chúng tôi nhận thấy chi phí Xây dựng công trình, đường ray, nhà ga có thể lên mức 650,907 tỷ đồng.

 

Rủi ro:

(1) Thép HRC Việt Nam nguy cơ bị Ủy ban châu Âu điều tra chống bán phá giá, đây là được cho là diễn biến đáng lo ngại đối với HPG và các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam.

(2) Biến động giá nguyên liệu đầu vào có thể ảnh hưởng đến Biên lợi nhuận của HPG.

(3) Biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lãi vay của HPG trong bối cảnh doanh nghiệp này đang tập trung xây dựng Dung Quốc 2.

Các yếu tố cần theo dõi:

(1) Kết quả điều tra và quyết định của Bộ Công thương liên quan tới áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

(2) Tiến độ hoàn thành Dung Quất 2.

Cập nhật thông tin cổ phiếu ngân hàng 22/08/2024: BID, CTG

 

Tăng trưởng lợi nhuận một số cổ phiếu ngân hàng

1. BID – NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý: 51.500 đ/cp (theo DSC)

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt gần 6%. Kết thúc Q2, tăng trưởng tín dụng đạt 5,9% YTD, tăng tốc so với 0,9% YTD trong quý 1 và tương đương tốc độ tăng của trung bình ngành (6%). BIDV là một trong những ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất thị trường cũng như áp dụng nhiều chương trình giảm lãi suất sâu vì vậy chúng tôi kỳ vọng BIDV có thể đạt được tăng trưởng tín dụng 13% cho cả năm 2024.

NIM cải thiện nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. NIM cải thiện 0,12% điểm phần trăm so với quý trước lên 2,5% sau khi giảm mạnh trong quý 1 nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Tốc độ hồi phục NIM của BIDV đang chậm hơn tương đối so với 2 ngân hàng quốc doanh còn lại và dự báo sẽ còn tiếp tục gặp áp lực trong nửa cuối năm do COF không còn dư địa giảm trong khi ngân hàng vẫn đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất kéo dài đến cuối năm.

Chất lượng tài sản duy trì vị thế đầu ngành. Tỷ lệ nợ xấu ổn định quanh 1,5% và tỷ lệ bao phủ là 132%. Mặc dù bộ đệm dự phòng đã suy giảm đáng kể tuy nhiên chất lượng tài sản của BIDV vẫn nằm trong top đầu ngành. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nhờ sức khỏe nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu hồi phục tốt hơn.


2. CTG – NH TMCP Công thương Việt Nam

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý: 39.900 đ/cp (theo VND)

Sự phục hồi của nhu cầu bán lẻ và vốn lưu động trong nửa cuối 2024 thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 12% svck, được hỗ trợ bởi tệp KHDN lớn và FDI, cùng với sự phục hồi dự kiến của nhu cầu vay bán lẻ. Các KHDN sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vốn lưu động và tái cấp vốn vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi dự đoán nhu cầu vay bán lẻ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi cầu nội địa của Việt Nam tăng tốc, góp phần thúc đẩy thêm tăng trưởng tín dụng cho CTG.

 Ưu tiên tăng trưởng tín dụng hơn ổn định NIM. NIM được dự báo sẽ đạt 2,9% vào cuối năm 2024, do cả chi phí vốn (COF) và lợi suất tài sản (AY) dự kiến đều tăng, nhưng COF có thể tăng nhanh hơn AY do nhu cầu tín dụng tăng về cuối năm sẽ đẩy lãi suất tiền gửi lên cao hơn.

 Thu nhập ngoài lãi phục hồi theo sau sự phục hồi kinh tế. Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng 5,7% svck, chủ yếu nhờ tăng trưởng 5% từ thu nhập từ phí thuần và thu nhập khác. Sự phục hồi của thu nhập từ phí sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng của các khoản thu phí khác (chiếm 35,6% tổng thu nhập phí) nhờ phí L/C theo xuất nhập khẩu sẽ tăng vào cuối năm. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác sẽ tăng 5% svck nhờ hoạt động thu hồi nợ xấu cải thiện khi kinh tế phục hồi và việc NH ghi nhận phí trả trước từ Manulife.

 Áp lực dự phòng sẽ giảm bớt khi nợ xấu giảm trong nửa cuối 2024. Nợ xấu được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối 2024, giúp giảm chi phí tín dụng của CTG xuống còn 1,8%, từ mức 2,09% trong Q2/24. Chúng tôi dự phóng tỷ lệ nợ xấu của CTG sẽ giảm xuống 1,4% nhờ tình hình tài chính của khách hàng bán lẻ và SME được cải thiện. Chúng tôi cho rằng CTG sẽ duy trì tỷ lệ xóa nợ cao ở mức 1,75% để quản lý chất lượng nợ, điều này sẽ làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) xuống còn 123% trong năm 2024, so với 151% trong năm 2023.

Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 20/08: FRT, GMD, KDH

1. FRT- CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (ngành bán lẻ)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của FRT và một số doanh nghiệp ngành bán lẻ

Giá trị hợp lý 220.800 đ/cp (theo VCI)

FPT Shop cải thiện hiệu quả hoạt động nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện và đóng cửa hàng.

Trong nửa đầu năm 2024, Biên lợi nhuận gộp FPT Shop  tăng 4,7 điểm % lên 13,6% do giới thiệu các sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong danh mục điện thoại thông minh, laptop và đồ gia dụng. Ngoài ra, FPT Shop đã đóng cửa 113 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm 2024. Dự báo FPT Shop sẽ đóng cửa tổng cộng 120 cửa hàng vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2024-28 ước tính đạt 6%/năm.

Mảng kinh doanh chăm sóc sức khỏe ghi nhận hiệu quả hoạt động khả quan trong bối cảnh quy mô ngày càng lớn hơn.

Trong một năm qua, Long Châu (LC) đã mở rộng sự hiện diện của nhà thuốc nhiều hơn tại (i) khu vực miền Trung và (ii) các thành phố cấp 2-3 ở miền Nam và miền Bắc. Đối với các trung tâm tiêm chủng (TTTC), LC đã thiết lập sự hiện diện trên toàn quốc với 30% số lượng TTTC tại TP.HCM và Hà Nội. Trong nửa đầu năm 2024, LC đã mở 209 nhà thuốc mới và 77 TTTC mới. Doanh thu/cửa hàng trung bình của LC trong nửa đầu năm 2024 (bao gồm TTTC) tăng lên 1,2 tỷ đồng (so với 1,0-1,1 tỷ đồng năm 2023) với biên lợi nhuận từ HĐKD duy trì ổn định. Ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu của các TTTC trong giai đoạn 2024-29 là 62%/năm (so với 74% trong dự báo trước đây), đóng góp 12% vào lợi nhuận của LC (trước chi phí quản lý và chi phí lãi vay) vào năm 2029


2. GMD- CTCP Gemadept (cảng biển – logistic)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của GMD và một số doanh nghiệp ngành cảng biển - logistic

Giá trị hợp lý 85.000 đ/cp (theo DSC)

Hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục khởi sắc

Doanh thu thuần Q2/2024 của GMD tiếp tục cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng từ nền thấp đầu năm 2023. Doanh thu tăng 29% YoY, với đóng góp chính từ mảng khai thác cảng (77%) khi doanh thu mảng này tăng 35% YoY. Động lực cho sự tăng trưởng này đến từ sản lượng hàng hóa thông qua các hệ thống cảng GMD tăng 22% YoY. Tuy nhiên, doanh thu mảng Logistic lại sụt giảm 15% YoY xuống mức 195,7 tỷ. Lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do trong năm trước, GMD đã ghi nhận khoản doanh thu tài chính đột biến lên đến 1.840 tỷ đồng từ việc thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ

Dư địa tăng trưởng ngành cảng biển Việt Nam còn lớn

Ngành cảng biển Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển với tiềm năng tăng trưởng lớn từ kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện tại, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội, nhất là khi chính phủ vẫn thúc đẩy ký kết, tham gia các hiệp định thương mại, hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI.

Hưởng lợi từ quy hoạch các khu vực cảng lớn

Các cụm cảng lớn của Gemadept tại miền Bắc (Nam Đình Vũ) và miền Nam (Gemalink) đều nằm ở các vị trí chiến lược, thuộc các khu vực được Chính phủ quy hoạch và định hướng phát triển trọng tâm. Những khu vực này đang được ưu tiên hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông và phát triển các khu công nghiệp. Khi đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa qua thông qua sẽ được thúc đẩy, góp phần nâng cao hiệu quả mảng kinh doanh cốt lõi của GMD trong dài hạn.

Tiềm năng trong dài hạn đến từ "siêu cảng" Gemalink

Siêu cảng nước sâu Gemalink tại Cái Mép - Thị Vải, với công suất dự kiến đạt 3 triệu TEU khi hoàn thành giai đoạn 2, sẽ trở thành cảng nước sâu lớn nhất cả nước. Vị trí đắc địa nằm tại cửa sông Cái Mép, đồng thời sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội, kỳ vọng sẽ giúp Gemalink nhanh chóng lấp đầy công suất và là điểm nhấn trong kết quả kinh doanh của GMD trong những năm tiếp theo

 

3.KDH - CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (BĐS)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của KDH và một số doanh nghiệp ngành BĐS

Giá trị hợp lý 43.000 đ/cp (theo AGR)

KQKD tăng trưởng trở lại trong Quý 2.2024: Doanh thu đạt 645 tỷ đồng (+10% yoy) và LNST đạt 280 tỷ đồng (+9% yoy) chủ yếu nhờ bàn giao các dự án BĐS. Thời điểm 30/6, hàng tồn kho của KDH đạt 21.458 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023, tập trung tại các dự án KDC Tân Tạo, Emeria, Clarita, Solina. KDH duy trì tình hình tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ trên vốn chủ quanh 0,5x. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, KDH ghi nhận lãi sau thuế đạt 344 tỷ (-25% yoy), hoàn thành 44% kế hoạch lợi nhuận.

Triển vọng kinh doanh nửa cuối năm 2024 chủ yếu đến từ bàn giao dự án Privia: Mảng bất động sản chiếm đến 98% tổng doanh thu của KDH. Tính đến thời điểm 30/6, khoản người mua trả tiền trước đạt 2.939 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2023, chủ yếu ở dự án Privia. Đây dự kiến sẽ là nguồn thu trong các quý tới của KDH. Dự án Privia có tổng cộng 1.043 căn hộ được mở bán từ tháng 11/2023, đã hoàn thành 100% việc bán hàng trong quý 1.2024 và dự kiến sẽ bàn giao nhà vào Quý 4.

 Hai dự án hợp tác với Keppel là Emeria và Clarita (biệt thự, nhà liền kề) đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ bắt đầu kinh doanh cuối Quý 4. Đây kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy triển vọng kinh doanh của KDH trong 2 -3 năm tới sau The Privia và Classia. Các dự án trên sẽ có tiềm năng tăng giá và tỷ lệ hấp thụ tốt nhờ lợi thế về vị trí nằm tại thành phố mới Thủ Đức và gần tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Trong dài hạn, KDH có nhiều dư địa tăng trưởng với việc tiếp tục mở rộng quỹ đất gối đầu tại TP.HCM như The Solina, KDC Tân Tạo, KCN Lê Minh Xuân, cụm CN Bình Trưng, Phong Phú 2 trong bối cảnh nguồn cung nhà ở hạn chế, và cơ sở hạ tầng ngày càng được đẩy mạnh phát triển.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 19/08: BSR, GAS, C4G, VCG

NGÀNH DẦU KHÍ: BSR, GAS 

Tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp ngành dầu khí

1. BSR – CTCP LỌC HÓA DẦU BÌNH SƠN

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý: 20.800 (theo DSC)

Câu chuyện doanh nghiệp

Một bước gần hơn tới HOSE

Công ty đã thành công xóa khoản nợ quá hạn của BSR-BF (tương đương 1.127 tỷ đồng) bằng cách điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành góp vốn vào đơn vị khác trong BCTC Q2/2024. Điều này giúp đáp ứng tiêu chí cuối cùng trong tổng số 9 tiêu chí để niêm yết trên HOSE.

Do toàn bộ các vướng mắc đã được giải quyết, BSR được kỳ vọng sẽ được chấp thuận niêm yết trên HOSE trong nửa cuối năm 2024. Điều này sẽ nâng cao tính minh bạch cũng như cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu.

Tập trung nâng vốn cho dự án mở rộng nhà máy lọc dầu (NMLD)

BSR đang trình phương án tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ phiếu, nhằm đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất.

Dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 3/2028, kỳ vọng nâng công suất chế biến dầu thô của BSR lên 171.000 thùng/ngày, tương đương 15%.

 Giá dầu thô khó tăng mạnh

Việc đảo ngược chính sách tiền tệ trên toàn cầu là cần thiết trong bối cảnh hiện tại và sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ dầu. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ khó tăng mạnh khi nhóm OPEC+ có dự định gỡ bỏ dần chính sách thắt chặt đang áp dụng kể từ tháng 10/2024, dự kiến khôi phục 2,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2025

 2.GAS – TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý: 83.100 (theo DSC)

Đẩy mạnh kinh doanh LNG trong bối cảnh nguồn cung khí nội địa cạn kiệt

GAS đang đứng trước rủi ro thiếu nguồn cung khí trong giai đoạn 2024 - 2025 do (1) Các bể khí trong nước đang dần cạn kiệt trữ lượng, đặc biệt là mỏ Nam Côn Sơn có khả năng dừng khai thác; (2) Các mỏ khí mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể ghi nhận dòng khí đầu tiên kể từ năm 2026. Để bù đắp, việc tập trung vào mảng kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là điều cần thiết.

Trong tháng 5/2024, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt khung giá phát điện trước thuế cho nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí LNG (từ 0 - 2.590 VND/kWh). Chúng tôi kỳ vọng mức giá này sẽ gỡ bỏ những vướng mắc về chi phí kinh doanh LNG, từ đó đảm bảo tiến độ các dự án LNG tại Việt Nam

Khai thác triệt để Lô B - Ô Môn sau năm 2026

Lô B – Ô Môn là dự án mỏ khí với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD, lớn thứ hai trong các dự án được triển khai tại Việt Nam. Dự án vừa nhận được bước tiến mới khi gói thầu quan trọng liên quan tới Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III (nhà máy tiêu thụ khí khai thác từ mỏ khí Lô B) vừa được ký kết.

GAS đóng vai trò nhà đầu tư chính vào dự án đường ống Lô B với tỷ lệ góp vốn là 51%, vì vậy Tổng Công ty sẽ được hưởng lợi trực tiếp tính từ khi có dòng khí đầu tiên, dự kiến vào năm 2026. Theo các ước tính, các mỏ của Lô B sẽ cung cấp lượng khí hàng năm là 5 tỷ m3, tương đường 65% sản lượng khí khô tiêu thụ của GAS cho năm 2022

Bệ đỡ tài chính phát huy tác dụng

Nhờ sở hữu lượng tiền mặt & tiền gửi ngân hàng lên tới 42.000 tỷ VND, GAS có sức chống chịu rất tốt trước các tác động về mặt tài chính. Vì vậy trong quý 2/2024 dù khoản lỗ do tỷ giá tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ, GAS vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính là 215 tỷ VND. Dù vậy tính chung 6 tháng đầu năm khoản lãi ròng tài chính này đã suy giảm đáng kể so với cùng kỳ, đạt gần 500 tỷ VND (-48% YoY)Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất.

NGÀNH XÂY DỰNG – ĐẦU TƯ CÔNG: C4G, VCG

Tăng trưởng lợi nhuận một số doanh nghiệp ngành xây dựng

3. C4G – CTCP TẬP ĐOÀN CIENCO4

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý 10.337đ/cp (theo VCBS)

Triển vọng hoạt động kinh doanh của C4G dự báo được hỗ trợ tích cực trong giai đoạn 2024 – 2025 nhờ: (1) sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh tại mảng xây lắp với lượng backlog dồi dào, (2) tiềm năng bứt tốc từ mảng BOT nhờ giá vé và lưu lượng xe qua trạm tăng, (3) cơ cấu tài chính cải thiện tạo lợi thế cho giai đoạn cần tự chủ nguồn vốn sắp tới.

Khối lượng backlog lớn là tiền đề cho tăng trưởng doanh thu.

Kỳ vọng doanh thu mảng xây dựng đạt mức tăng trưởng 14% trong năm 2024 xét đến: (1) Lượng backlog dồi dào, (2) Đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm, (3) Các dự án lớn bước vào giai đoạn triển khai hạng mục chính.

Điểm sáng tại mảng BOT nhờ giá vé tăng và chuyển biến tại dự án Thái Nguyên - Chợ Mới.

Hiệu quả kinh doanh mảng BOT kỳ vọng được hỗ trợ bởi: (1) Bộ GTVT chấp thuận tăng giá vé, (2) Trạm BOT Diễn Châu – Bãi Vọt bắt đầu thu phí từ Q4/2024, (3) Đề án mua lại trạm Thái Nguyên – Chợ Mới bằng nguồn NSNN.

Cơ cấu tài chính cải thiện, tạo thế mạnh trong giai đoạn cần tự chủ nguồn vốn

Tỷ lệ nợ vay tài chính/VCSH của C4G so với các doanh nghiệp cùng ngành duy trì ở mức tương đối thấp. Điều này mang đến lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, đồng thời tạo vị thế an toàn cho giai đoạn cần sự tự chủ lớn về nguồn vốn sắp tới.

4. VCG - TỔNG CTCP XUẤT NHẬP KHẨU VÀ XÂY DỰNG VIỆT NAM

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Giá trị hợp lý: 24.100 đ/cp (theo MBS)

Biên gộp cải thiện và chi phí tài chính giảm hỗ trợ lợi nhuận Q2/2024

Trong Q2/2024, doanh thu giảm 39% yoy do mảng BĐS giảm mạnh 98% yoy trong bối cảnh thiếu dự án gối đầu. Tuy nhiên biên LN gộp cải thiện lên mức 12% (+1 điểm % yoy) nhờ biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng tăng trở lại mức 4% (+3 điểm % yoy). Hơn nữa, chi phí tài chính giảm 59% yoy do doanh nghiệp giảm bớt quy mô nợ vay và mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, nhờ đó LNST 7% yoy. Nửa đầu năm 2024, LNST tăng 355% svck từ mức nền thấp năm ngoái

Luận điểm đầu tư

- VCG được hưởng lợi nhờ trúng thầu tại các dự án đầu tư công trọng điểm, được tập trung triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025 như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành, giúp Backlog của doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 3% và 4% trong 2024-25.

- Các mảng kinh doanh khác của VCG như kinh doanh nước có triển vọng tăng trưởng thuận lợi năm 2024 trong bối cảnh giá nước được điều chỉnh tăng 13% svck.

- Doanh nghiệp đang tích cực thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả giúp sức khỏe tài chính đang cải thiện dần. Đến cuối Q2/2024, tỷ lệ nợ vay/TTS của VCG đạt 31% (thấp hơn mức 36% của TB ngành).

- LN ròng của VCG dự kiến tăng trưởng 192% svck trong năm 2024 với mảng kinh doanh như xây dựng, kinh doanh nước khả quan cùng chi phí tài chính giảm mạnh.

Rủi ro đầu tư

(1) Vốn giải ngân đầu tư công không hoàn thành như kì vọng do các dự án tiếp tục vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng.

(2) Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ảm đạm trong thời gian dài tác động tiêu cực tới việc mở bán dự án chiến lược Cát Bà Amatina

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 14/08/2024: VTO, DPG, MWG

1. VTO – CTCP VẬN TẢI XĂNG DẦU VITACO (ngành vận tải dầu khí) 

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của VTO  và một số doanh nghiệp vận tải dầu khí

Cập nhật KQKD Q2/2024:

- Lợi nhuận tăng mạnh nhờ giảm chi phí khấu hao. Đội tàu của Vitaco gồm 10 tàu chở xăng dầu, trong đó gồm 4 tàu viễn dương và 6 tàu trọng tải dưới 10.000 DWT chạy ven biển. Trong số này nhiều tàu đã khấu hao hết nhưng vẫn còn đang hoạt động và mang lại doanh thu.

- Doanh thu từ hoạt động vận tải xăng dầu nội địa theo hợp đồng ổn định

- Lượng tiền mặt dự trữ lớn, các khoản phải thu có xu hướng giảm. Công ty hiện sở hữu 963 tỷ đồng tài sản ngắn hạn với 789 tỷ đồng tiền và các khoản tương

đương tiền (chiếm 47,8% tổng tài sản)

- Tình hình tài chính lành mạnh, đòn bẩy tài chính thấp:  Tỉ lệ đòn bẩy hiện tại là 0,22 và có xu hướng giảm đáng kể trong các năm gần đây. Dòng tiền hoạt động kinh doanh dương liên tục cho thấy công ty có khả năng tạo dòng tiền từ hoạt động cốt lõi.

 Triển vọng thời gian tới của VTO là phát triển ổn định nhờ vào các yếu tố:

- Nhu cầu xăng dầu tăng tự nhiên. Nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng lên. Theo tính toán từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước trong 6 tháng tương đương với đầu năm, khoảng 13,2 triệu m3/tấn. Tổng cả năm tăng tối thiểu 2 triệu m3/tấn so với năm 2023.

- Là công ty con trực tiếp dưới PJT và PLX, VTO sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Công ty mẹ. Đặc biệt, PLX sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên cả nước và có cơ hội giành thêm thị phần do điều kiện kinh doanh xăng dầu thắt chặt.

- Là công ty vận tải cho PLX, VTO không chịu rủi ro giá xăng dầu biến động. Ngoài ra, các hợp đồng cùng khách hàng chính đều là hợp đồng kỳ hạn 1 năm, đáo hạn theo năm, mang lại cho VTO nguồn thu nhập ổn định.

2. DPG – CTCP TẬP ĐOÀN ĐẠT PHƯƠNG (ngành xây dựng, BĐS & thủy điện)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của DPG và một số doanh nghiệp ngành xây dựng

Theo BSC, kỳ vọng 2024 đánh dấu điểm đảo chiều của DPG và dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 30% CAGR cho giai đoạn 2024-2026 nhờ triển vọng tích cực của cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi:

(1) Xây lắp hạ tầng – năng lực đấu thầu, thi công được củng cố: Tổng giá trị backlog chuyển sang 2024 đạt 6,000 tỷ (tăng +71% YoY và gấp 3.8 lần so với giai đoạn 2018-

2022). Biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng duy trì ở mức 6-7% do phần lớn danh mục dự án ký mới đều yêu cầu chất lượng kỹ thuật cao như cầu, cao tốc và giá VLXD giảm.

(2) Thủy điện – La Nina trong 2H2024-2025: hỗ trợ cho sự phục hồi sản lượng điện thương phẩm với +8% YoY năm 2024 và +10% YoY năm 2025.

(3) Bất động sản – hưởng lợi từ chính sách: Khả năng hoàn thành pháp lý dự án Casamia Balanca (31 ha, Hội An) trở nên rõ ràng hơn nhờ các tín hiệu tích cực từ (1) Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 01/08/2024, (2) UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, và đơn vị liên quan tập trung giải quyết các tồn đọng cho dự án

 Năm 2024: dự báo KQKD của DPG sẽ ghi nhận sự phục hồi từ mức nền thấp năm 2023.  Theo đó, DTT và LNST-CĐTS lần lượt đạt 4,285 tỷ VND (+24% YoY) và 250 tỷ VND (+50% YoY)

Năm 2025: DTT đạt 5,068 tỷ VND (+18% YoY) dẫn dắt bởi cả 3 mảng (1) Xây lắp: điểm rơi nghiệm thu các gói thầu đã ký 2023, (2) Thủy điện: tiếp tục hưởng lợi nhờ La Nina, sản lượng tăng +10% YoY và đặc biệt là (3) Bất động sản: kỳ vọng dự án Casamia Balanca sẽ đủ điều kiện triển khai trong 2H24 và có thể ghi nhận một phần trong năm 2025. LNST Cổ đông cty mẹ năm 2025 kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, đạt 348 tỷ VND (+39% YoY).

3. MWG – CTCP ĐẦU TƯ THẾ GIỚI DI ĐỘNG (ngành bán lẻ)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của MWG và một số doanh nghiệp ngành bán lẻ

Giá trị hợp lý: 82.500 (theo VCBS)

Lũy kế 6T24, doanh thu thuần của MWG đạt 66 nghìn tỷ (+15,8% svck), LNST đạt 2 nghìn tỷ (x5 lần svck), lợi nhuận gộp cải thiện +253 đcb, đạt 21,37%. Trong đó mảng phân phối ICT đạt 44 nghìn tỷ (+7% svck), mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống và FMCG kết quả tích cực với +42% svck, đạt 19,4 nghìn tỷ

 Điểm nhấn đầu tư

- Lợi nhuận ĐMX và TGDD phục hồi mạnh 2H24 kỳ vọng tiếp tục duy trì hồi phục tiêu dùng cùng với các hỗ trợ từ chính phủ bao gồm chính sách tiền lương mới (+30% mức lương cơ bản) cho công chức viên chức cũng như tiếp tục duy trì chính sách giảm VAT 2% cho đến hết năm 2024. !H/2024, biên LNST mảng ICT của MWG đạt 5,3%, giữ đà hồi phục liên tiếp từ Q3.23, do đó ước tính cả năm 2024, mảng ICT sẽ duy trì được biên lợi nhuận khoảng 4%.

- Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận lãi trong năm 2024. Lỗ phát sinh giảm mạnh trong Q1/2024 (-65% qoq và -70% yoy) và đã lãi nhẹ 7 tỷ trong Q2/2024. Ước tính doanh thu của BHX sẽ có thể tăng trưởng 15-20% trong năm nay nếu trung bình DT/cửa hàng đạt 1,8 tỷ.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Cập nhật thông tin doanh nghiệp ngày 13/08: HAH, TNG, PC1, CTD

1. HAH – CTCP VẬN TẢI VÀ XẾP DỠ HẢI AN (Ngành vận tải biển-logistic) 

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của HAH và một số doanh nghiệp ngành vận tải biển - logsitic

Giá trị hợp lý: 46.000 đ/cp (theo Agriseco)

 Sản lượng khai thác tàu phục hồi: Sản lượng khai thác của HAH có thể đạt trên 550.000 TEUS trong năm 2024 (+22% yoy) nhờ hoạt động giao thương xuất nhập khẩu sôi động trở lại. Trong đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng 17% so với cùng kỳ trong 7T đầu năm, khối lượng hàng hóa và container qua cảng cũng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, HAH cũng đón thêm 3 tàu mới từ cuối 2023 và dự kiến sẽ đón thêm 1 tàu mới 1.800 TEUS trong nửa cuối năm 2024 đưa quy mô đội tàu lên 16 chiếc.

 Giá cước tăng mạnh trở lại hỗ trợ KQKD: Theo Drewy, giá cước vận tải giao ngay trên thế giới đã tăng gần gấp đôi từ đầu năm và tăng gấp 3 lần từ mức đáy của năm 2022. Chúng tôi cho rằng giá cước vận tải biển có thể tiếp tục tăng bởi các nguyên nhân sau (1) xung đột leo thang tại biển đỏ từ cuối năm 2023, nhiều cảng biển trong khu vực đã rơi vào tính trạng ùn ứ khiến thời gian và hải trình các tuyến vận tải tăng lên kéo theo chi phí; (2) Mùa cao điểm của hoạt động xuất khẩu vào Q3 và Q4 khiến nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024, HAH đã tăng giá cước dịch vụ xếp dỡ tại cảng.

2. TNG – CTCP Đầu tư thương mại TNG (Dệt may)

Kết quả kinh doanh 5 quý gần nhất

Tăng trưởng lợi nhuận của TNG và một số doanh nghiệp ngành dệt may

Giá trị hợp lý: 30.000 (Agriseco)

 - KQKD Quý 2/2024 tiếp đà tăng trưởng: TNG ghi nhận doanh thu đạt 2.174 tỷ đồng (+8,8% yoy) và LNST đạt 86 tỷ đồng (+57,1% yoy) trong quý 2/2024. Qua đó trong 6 tháng đầu năm, KQKD của TNG duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu tăng 5,76% và LNST tăng 38% so với cùng kỳ. Kết quả tích cực trên nhờ lượng đơn hàng lớn giúp doanh nghiệp lấp đầy công suất nhà máy tới hết Quý 3/2024 từ sớm. Bên cạnh đó, đơn giá bình quân cũng đã tăng từ 5-7% nhờ TNG tập trung hơn vào các đơn FOB có giá trị gia tăng cao hơn.

 - Xuất khẩu hàng dệt may kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng: Trong 6T/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tất cả các thị trưởng xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng dệt may duy trì đà tích cực trong cuối năm 2024 khi lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp và nhu cầu tại các thị trường dần phục hồi.

 - Đơn hàng của TNG được lấp đầy: Số lượng đơn hàng của TNG đã được lấp đầy tới cuối năm 2024 với các đơn hàng FOB từ các khách hàng lớn như Decathlon, Asmara, Columbia. TNG còn ghi nhận lượng đơn hàng đột biến trong Quý 2 và Quý 3 nhằm phục vụ cho Olympic tại Paris. Nhằm đáp ứng nhu cầu hàng lớn, doanh nghiệp dự kiến nâng công suất lên 15% với 45 dây chuyền sản xuất mới và tuyển thêm 3.000 nhân công

 - Sự kiện bạo loạn ở Bangladesh giúp ngành dệt may trong nước hưởng lợi: Bangladesh hiện nay là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành dệt may. Với việc bạo loạn và bất ổn đang diễn ra tại quốc gia này, các đơn hàng sẽ có sự dịch chuyển và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng kể trên.

3. Ngành xây dựng: PC1, CTD


3.1. PC1 – CTCP TẬP ĐOÀN PC1

Giá trị hợp lý: 34.000 đ/cp (theo Agriseco)

- KQKD Quý 2/2024: Trong kỳ, PC1 ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt là 3.091 tỷ đồng (+110% yoy) và 74,6 tỷ đồng (ghi nhận sự phục hồi tích cực so với mức âm 20,7 tỷ cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 5.256 tỷ đồng (+76% yoy) và LNST đạt 204 tỷ đồng (+252% yoy), lần lượt hoàn thành 48,6% kế hoạch doanh thu và 38,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.

- Hoạt động xây lắp điện và hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực: Trong kỳ, doanh thu mảng xây dựng đạt 1.188 tỷ đồng (+120% yoy) nhờ ghi nhận từ hoạt động thi công xây dựng, cung cấp cột thép và máy móc thiết bị cho dự án 500kV đường dây 3. Với quyết tâm đẩy mạnh hạ tầng điện lưới quốc gia của Chính phủ, kỳ vọng toàn bộ đường dây 500kV mạch 3 sẽ sẽ hoàn thiện sớm trong Quý 4/2024, đảm bảo doanh thu mảng xây lắp của PC1 được duy trì ổn định trong năm nay.

- Mảng vận hành và khai thác Khu công nghiệp diễn biến khả quan hơn: Mới đây, hai khu công nghiệp có quy mô lớn là Đồng Văn V (Hà Nam) và Yên Lư (Bắc Giang) của Western Pacific – công ty liên kết của PC1 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, dự án khu công nghiệp Nomura GĐ2 đã được phê duyệt triển khai và đang được PC1 tích cực đẩy mạnh phát triển. Kỳ vọng các dự án trên sẽ mang lại tiềm năng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn hơn trong tương lai cho mảng BĐS Khu công nghiệp.

- Mảng khai thác thủy điện dự kiến tăng trưởng tích cực hơn nhờ chuyển pha thời tiết: Chu kỳ ENSO dự kiến chuyển sang La Nina từ nửa cuối năm 2024 kỳ vọng giúp tăng sản lượng và doanh thu bán điện đối với các dự án thủy điện mà PC1 đang triển khai vận hành. Việc đầu tư mới hai dự án thủy điện Bảo Lạc A và Thượng Hà dự kiến sẽ giúp PC1 ghi nhận doanh thu bắt đầu từ năm 2025.

- Dự báo giá Niken suy yếu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu mảng khai thác khoáng sản: Sau khi thiết lập đỉnh hồi tháng 5, giá Niken giảm mạnh trong thời gian gần đây khiến doanh thu bán quặng chỉ đạt 338 tỷ đồng (-41% QoQ). Tuy nhiên, đánh giá mức độ ảnh hưởng của mảng khai khoáng đối với PC1 là không lớn khi doanh thu mảng này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp

3.2 CTD - XÂY DỰNG COTECCONS

Giá trị hợp lý: 75.000 đ/cp (theo Agriseco)

- KQKD Quý 4/FY2024 và cả năm tài chính 2024: Quý 4/FY2024, CTD ghi nhận doanh thu đạt 6.595 tỷ đồng (+82% yoy) và LNST đạt 58,8 tỷ đồng (+95% yoy) nhờ lượng backlog chuyển tiếp 2024-2025 lên tới 22.000 tỷ đồng. Lũy kế cả niên độ tài chính 2024, doanh thu đạt 20.045 tỷ đồng và LNST đạt 299 tỷ đồng (lần lượt hoàn thành 105% kế hoạch doanh thu và 104% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh năm tài chính 2024.

- Triển vọng doanh thu mảng xây lắp hạ tầng công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ lượng backlog dồi dào: Giá trị trúng thầu trong năm 2024 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng dự báo sẽ giúp CTD đảm bảo được nguồn việc và duy trì doanh thu ổn định trong giai đoạn 2024-2025. Với vị thế của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng và triển vọngnguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng tích cực, CTD có tiềm năng cao sẽ tiếp tục trúng thầu các dự án FDI quy mô lớn nhờ kinh nghiệm thi công dày dạn tại nhiều dự án nổi bật: LEGO, Foxconn, Suntory Pepsico…

- Cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường quốc tế nhờ hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng lớn trên thế giới: Mới đây, CTD đã ký biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) với Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction (Hàn Quốc) với mục tiêu phát triển các dự án EPC có quy mô lớn tại Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, việc CTD sở hữu các chứng nhận tiêu chuẩn cao trong ngành xây dựng (LEED) là một lợi thế cạnh tranh lớn khi các yếu tố ESG ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quy trình thi công của nhiều doanh nghiệp quốc tế.

- Tín hiệu khởi sắc từ thị trường bất động sản dân dụng giai đoạn nửa cuối năm: Sau khi Luật đất đai mới ban hành được phê duyệt có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 và đà phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam, kỳ vọng thị trường BĐS dân cư và BĐS nghỉ dưỡng sẽ sớm có các tín hiệu khởi sắc khi du lịch phục hồi và nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao. CTD cũng đang thực hiện các dự án BĐS cao cấp quy mô lớn như Eaton Park, Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Lancaster Legacy, Imperia Smart City với tiềm năng đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn trong tương lai.