Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

HPG - Cập nhật định giá và KQKD Q1/2020


CTCP Tập đoàn Hòa Phát
KHUYẾN NGHỊ
FPTS ước tính HPG có thể đạt doanh thu 78.550 tỷ VND và lợi nhuận sau thuế 8.563 tỷ VND trong năm 2020, tương đương mức EPS ở mức 3.118 VND/cp. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA và nắm giữ dài hạn với cổ phiếu HPG với mức giá mục tiêu 25.000 VND/cp với các điểm nhấn đầu tư:
  • Trong ngắn hạn: diễn biến tích cực của giá thịt lợn có thể đem lại lợi nhuận đột biến trong năm 2020.
  • Trong dài hạn: đóng góp của dự án Dung Quất giúp HPG hoàn thiện chuỗi giá trị và củng cố vị thế dẫn đầu ngành thép Việt Nam.

Một số rủi ro cần lưu ý với nhà đầu tư:
  • Rủi ro biến động giá nguyên liệu: quặng sắt và than luyện cốc. Rủi ro triển khai và vận hành dự án thép Dung Quất.
  • Rủi ro dịch bệnh ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp

CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ I/2020:



Trong Q1/2020, doanh thu thuần của HPG đạt 19.232 tỷ đồng (+28% yoy), và lợi nhuận sau thuế đạt 2.304 tỷ đồng (+27% yoy). Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Lĩnh vực thép là mảng đóng góp chính trong tăng trưởng doanh thu, trong khi mảng nông nghiệp đóng góp chính trong tăng trưởng lợi nhuận.

1. Mảng thép – sản lượng tăng trưởng tích cực, tỷ suất lợi nhuận thu hẹp do biến động giá thành phẩm
Trong Q1/2020, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG đạt trên 732 nghìn tấn (+5,3% yoy) và ống thép đạt gần 145 nghìn tấn (-15,8% yoy). Đáng chú ý, sản lượng phôi thép tiêu thụ đạt trên 350 nghìn tấn (cùng kỳ không bán phôi thép), chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Trong bối cảnh thị trường thép nội địa suy giảm, việc mở rộng sang thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm là một bước đi tích cực của HPG, giúp các lò cao của khu liên hợp Dung Quất đạt hiệu suất cao. Tuy vậy, do giá thép thành phẩm suy giảm, ước tính lợi nhuận sau thuế của mảng này chỉ tăng khoảng 7,3% trong khi doanh thu tăng khoảng 30,3% so với cùng kỳ.

1.1 Biến động giá nguyên liệu sản xuất và giá thép thành phẩm
Giá thép xây dựng của HPG đã giảm trung bình 12-13% trong Q1/2020 so với cùng kỳ. Hiện tại, với xu hướng giảm của giá quặng sắt và than luyện kim, chúng tôi cho rằng giá thép sẽ tiếp tục duy trì mức giá thấp này trong thời gian sắp tới, và là cơ hội để HPG để giành thêm thị phần (đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam) cũng như tối đa hóa hiệu suất sản xuất của dự án Dung Quất.


1.2 Chủ trương đẩy mạnh đầu tư công hỗ trợ triển vọng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trong dài hạn, hoạt động xây dựng nhà ở và nhà không để ở giảm sút
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP trong Q1/2020 của Việt Nam đạt 3,82% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua - khi gần như toàn bộ các ngành đều bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu tiêu cực hơn khi nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm vì dịch bệnh và nguồn vốn FDI cũng sụt giảm, đầu tư công có thể sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chúng tôi cho rằng sẽ phải mất thêm thời gian để thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn (xem bảng dưới), và kỳ vọng vào sự đột biến của đầu tư công và xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời điểm hiện tại là chưa khả thi, ít nhất là trong năm 2020. Mặc dù vậy, đây vẫn là phân khúc tiêu thụ đáng chú ý cho ngành thép trong trung hạn và dài hạn khi các yếu tố về dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ là động lực cho các thay đổi lớn trong chính sách kích thích đầu tư công từ chính phủ

1.3 Cập nhật về khu liên hợp gang thép Dung Quất
HPG cho biết giai đoạn II sẽ triển khai chậm hơn dự kiến (Q2/2020) do các chuyên gia từ châu Âu không thể đến Việt Nam khi giai đoạn dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn sẽ nỗ lực đưa giai đoạn II vào hoạt động trong cuối năm 2020. HPG cũng đã thông qua chủ trương mở rộng khu liên hợp Dung Quất với công suất tăng thêm 5 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng.
Về sản phẩm, phần mở rộng này sẽ có công suất 5 triệu tấn/năm (bao gồm 3 triệu tấn HRC, 1 triệu tấn thép xây dựng, 1 triệu tấn thép dây cuộn và thép tròn cơ khí). Có thể thấy sản phẩm trọng tâm sẽ là thép HRC. Ước tính sau khi hoàn thành, HPG có thể cung cấp 5 triệu tấn/năm HRC (tương đương Formosa và khoảng 50% nhu cầu nội địa hiện tại).
Cần lưu ý rằng dự án này cần xin chấp thuận của các cơ quan Trung ương và quá trình này có thể mất khoảng 2-3 năm, do đó chúng tôi ước tính dự án mở rộng này sẽ mang tính dài hạn và sẽ khởi công vào 2023 và hoàn thành phân kỳ I vào 2026.

2. Mảng nông nghiệp – Lợi nhuận đột biến trong năm 2020
Trong Q1/2020, doanh thu mảng nông nghiệp đạt 2.779 tỷ đồng (+58,5% yoy) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 480 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ). Đây là mảng có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận của HPG, do giá thịt lợn tăng khoảng 50% so với cùng kỳ.
Trong khoảng 3 năm gần đây, giá thịt lợn biến động rất mạnh do mất cân bằng về cung – cầu.  Yếu tố này kết hợp với nhu cầu tích trữ thực phẩm khi dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cho giá thịt lợn tăng mạnh từ Q4/2019 (lên mức 90.000 VND/kg tại thời điểm hiện tại), giúp cho mảng nông nghiệp của HPG tăng trưởng đột biến và đạt mức tỷ suất lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức tỷ suất lợi nhuận này khó có thể duy trì được quá lâu do:
Ø Việc tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi đang được triển khai. Với thời gian xuất chuồng khoảng 6-9 tháng thì nguồn cung lợn trong nước có thể tăng trở lại vào Q3-Q4/2020.
Ø Các giải pháp bình ổn giá của Chính phủ:
  • Nhập khẩu lợn: tính đến T4/2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 46.000 tấn thịt lợn (+300% yoy)
  • Các doanh nghiệp lớn cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 VND/kg

Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, HPG đặt mục tiêu đạt công suất tối đa 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch. Chúng tôi ước tính HPG có thể đạt mức doanh thu 10.000 tỷ VND và LNST ở mức 1.000 tỷ VND cho mảng nông nghiệp trong năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức lợi nhuận sẽ giảm xuống trong nửa cuối 2020 và trở về mức bình thường trong 2021.

Link báo cáo chi tiết:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét