Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

ELC - Động lực tăng trưởng từ đầu tư công

CTCP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG 

THÔNG TIN CƠ BẢN

THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý – Động lực tăng trưởng từ đầu tư công

ELC hoạt động trong thị trường ngách giao thông thông minh, kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới khi Chính phủ tập trung đầu tư giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ.

Năm 2021, ELC ghi nhận doanh thu thuần 659 tỷ đồng (-17,8%yoy), LNST đạt 50 tỷ đồng (+61,2% yoy), lần lượt hoàn hành 72% và 129% kế hoạch. Doanh thu của ELC giảm do chậm tiến độ ghi nhận các dự án giao thông thông minh hiện tại. Tuy nhiên, LNST tăng mạnh nhờ: biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16.9% lên 19.6% và khoản lợi nhuận bất thường từ các công ty liên kết 20 tỷ đồng (năm 2020 lỗ 40 triệu đồng).

ELC cho biết doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng mở rộng các mảng kinh doanh, dự án mới tại các công ty con tách biệt cho giai đoạn 2022-2025, do đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh thông thường trong tương lại của ELC sẽ được đóng góp lớn bởi các công ty con – liên kết.

Động lực tăng trưởng 2022 của ELC nằm ở mảng Giao thông thông minh và hưởng lợi trong xu hướng đầu tư công của Chính phủ. Với lợi thế bề dày kinh nghiệm và nắm giữ thị phần thứ 2 trong thị trường ngách này, ELC có nhiều khả năng sẽ trúng thầu dự án Giao thông thông minh trong nội đô tại Hà Nội và TP HCM (tổng quy mô 2,150 tỷ đồng) và các hạng mục Giao thông thông minh thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam (tổng quy mô 4,000 tỷ). Hiện tại ELC đã ký kết một số hợp đồng lớn cho các tuyến đường như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Diễn Châu – Bãi Vọt,…

Tại ĐHCĐ bất thường tháng 12/2021, ELC đã thông qua phương án sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:15 với giá chào bán 11,500 đồng/cổ phiếu, mục tiêu bổ sung vốn cho các dự án hiện tại và hoạt động của công ty. Việc phát hành thành công sẽ giúp ELC có thêm nguồn vốn để tăng tính cạnh tranh cho các dự án đầu tư công đấu thầu trong giai đoạn 2022-2025.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT 


Đồ thị ngày ELC

Sau khi điều chỉnh từ tháng 10/2021, ELC bắt đầu hồi phục từ tháng 2/2022, hình thành các đáy và đỉnh cao dần. Trong phiên 30/03, ELC xuất hiện thanh khoản đột biến, cao nhất trong lịch sử, vượt qua kênh giá giảm từ tháng 10/2021 và nền tích lũy trên MA 100 ngày, dấu hiệu cho thấy có sự tham gia của dòng tiền lớn và xu hướng giảm kết thúc. Các chỉ báo kỹ thuật đang ủng hộ cho xu hướng tăng giá, hướng đến vùng giá 34.000:

  • Giá nằm trên các đường MA 20, MA 50 và MA 200 ngày, thể hiện xu hướng tăng giá đông thuận trong ngắn, trung lẫn dài hạn.
  • Các đường MA đều dốc lên
  • MACD và RSI cho tín hiệu tích cực: MACD duy trì trên đường số 0 và RSI duy trì trên 50

Khuyến nghị:

  • Nhà đầu tư có thể mua vào ELC tại vùng giá 27.000, khi giá điều chỉnh test lại vùng hỗ trợ trên kênh giá giảm và nền giá tích lũy trên MA 100 ngày .
  • Stoploss được đặt tại 25.000, trường hợp xấu giá rơi trở lại kênh giảm và đánh mất xu hướng tăng từ tháng 2/2022.

Giao dịch mẫu


Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Tình hình kinh tế Việt Nam Q1/2022

 



FITCH RATINGS DUY TRÌ XẾP HẠNG TÍN NHIỆM CỦA VIỆT NAM Ở MỨC BB, TRIỂN VỌNG 'TÍCH CỰC' (Chi tiết)

Theo dự báo của Fitch Ratings, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI. Fitch Ratings ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.


Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

NLG - Triển vọng khả quan từ quỹ đất lớn

CTCP ĐẦU TƯ NAM LONG

THÔNG TIN CƠ BẢN

ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ

NLG sở hữu quỹ đất sạch quy mô lớn (681 ha) với giá vốn thấp. Các dự án của NLG phần lớn ở vùng ven TPHCM với vị trí chiến lược ở các cửa ngõ vào thành phố. Đáng chú ý nhất là Waterpoint (355ha) tại Long An và Izumi City (170ha) tại Đồng Nai. Ngoài ra còn các dự án Mizuki Park (26.4ha) tại huyện Bình Chánh, dự án Akari City (8.4ha) tại quận Bình Tân và dự án Cần Thơ (43ha) được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho NLG trong thời gian sắp tới.

NLG là đối tác của nhiều tập đoàn quốc tế, đa số các dự án đều liên doanh 50% với các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến các dự án của NLG có được sự an toàn về thu hồi vốn, đồng thời chất lượng và tiến độ pháp lý & xây dựng luôn được đảm bảo.

NLG có cơ cấu tài chính an toàn: Tính đến cuối năm 2021, nợ vay của NLG là 3.608,13 tỷ đồng, tương đương 26,54% vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản bị siết tín dụng trong huy động vốn, việc phát triển các dự án dựa trên vốn chủ sở hữu là một lợi thế lớn cho NLG.

CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM 2021

Doanh thu thuần và LNST năm 2021 lần lượt đạt 5.205,5 tỷ đồng (+134,8%yoy) và 1.478 tỷ đồng (+73,8%yoy), hoàn thành 104,9% kế hoạch doanh thu và 108,1% kế hoạch lợi nhuận. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đén từ việc bàn giao Block 1-5 của Akari City trong quý 4/2021 (gần 4.300 tỷ đồng).

Ngoài ra sau khi hợp nhất dự án Izumi City (NLG mua 30% cổ phần từ Keppel Land để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65.1% trong Q1/2021), NLG có 432 tỷ đồng thặng dư từ việc định giá lại tài sản khi hợp nhất. Việc hợp nhất dự án Southgate sau khi tăng tỷ lệ biểu quyết từ 50% lên 65% trong Q3/2021 đem đến cho NLG 361 tỷ đồng lợi nhuận tài chính.

Tại thời điểm 31/12/2021, khoản mục Người mua trả tiền trước ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán đã đạt hơn 2.423 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc khách hàng đặt cọc trước cho các dự án Akari City, Southgate Waterpoint (giai đoạn 1) và Mizuki Park.

ĐỊNH GIÁ

Kết thúc năm 2021, EPS của NLG đạt 3.099 đông/cp. Với P/E trung bình của một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản là 22x, giá trị hợp lý của NLG là 68.200 đồng/cp.

TRIỂN VỌNG KINH DOANH NĂM 2022

Dự kiến trong 2022, NLG sẽ triển khai các dự án lớn. Cụ thể:

  • Giới thiệu biệt thự cỡ lớn Grand Villa, phân khu Aquaria, dự án Waterpoint tại Long An (từ 23 tỷ đồng);
  • Chào bán Khu căn hộ biệt lập cao cấp Flora Panorama - trong khu đô thị Mizuki Park (khoảng 400 căn);
  • Mở bán Khu căn hộ biệt lập cao cấp Flora thuộc Akari City giai đoạn 2, Bình Tân, TP.HCM (khoảng 1.600 căn).đã được động thổ vào cuối tháng 2/2022. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Nam Long, ước tính sẽ đóng góp 4,900 tỷ đồng vào doanh số bán hàng của Nam Long trong năm 2022-2023. (Ngày 19/03/2022, NLG cùng hai đối tác Nhật Bản: Hankyu Hanshin Properties, Nishi Nippon Railroad đã tổ chức lễ giới thiệu và đăng ký chọn căn cho 500 căn hộ biệt lập dòng Flora thuộc block AK7 và AK8 của Akari City giai đoạn 2. Doanh số ước đạt hơn 1,400 tỷ đồng trong vòng 4 giờ đồng hồ, tỷ lệ hấp thụ đạt 85% trên số lượng sản phẩm được giới thiệu ra thị trường.)

  • Ngoài ra, lợi nhuận 2022 được hỗ trợ từ việc bán 50% cổ phần ở dự án Khu đô thị Nam Long Đại Phước (Paragon Đại Phước) (ước tính khoảng 360 tỷ lợi nhuận sau thuế) dự kiến ghi nhận vào Q1/2022.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Đồ thị ngày NLG

NLG đang duy trì xu hướng tăng dài hạn, bám trên MA 100 ngày. Sau nhịp điều chỉnh từ đầu năm 2022 về hỗ trợ mạnh trên MA 100, NLG quay lại xu hướng tăng giá khi bắt đầu hình thành đỉnh và đáy cao dần trong tháng 3, vượt lên trên các đường MA. Chỉ báo MACD vượt lên đường số 0 và RSI vượt lên mốc 50, ủng hộ cho xu hướng tăng trong trung và dài hạn được hình thành. Bollinger band cũng bắt đầu mở rộng khi giá cổ phiếu vượt đỉnh đầu tháng 3/2022, cho thấy NLG đã chuyển từ giai đoạn tích lũy sang tăng giá, kỳ vọng vượt đỉnh lịch sử hướng đến vùng giá 68.200.

Trong ngắn hạn, NLG vừa có nhịp điều chỉnh và giữ được giá trên vùng hỗ trợ 57.000 ~ đỉnh cũ đầu tháng 3/2022 mới vượt trong tuần 21-25/3, đồng thời cũng là hỗ trợ trên MA 20 và MA 100 ngày. Với việc giữ được vùng hỗ trợ mạnh, duy trì thiết lập các đỉnh – đáy cao dần, xu hướng tăng giá của NLG vẫn đang diễn ra và nhà đầu tư có thể tham gia khi giá đang ở gần hỗ trợ mạnh

 Khuyến nghị

  • Nhà đầu tư có thể mua NLG quanh vùng giá 58.000 cho mục tiêu 67.000
  • Stoploss được đặt tại 54.000, trường hợp giá giảm xuống dưới vùng hội tụ 3 đường MA 20, 50 và 100 ngày.

Giao dịch mẫu


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

KDH - Triển vọng khả quan nhờ quỹ đất sạch, nhiều dự án gối đầu

 CTCP ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH NHÀ KHANG ĐIỀN

THÔNG TIN CƠ BẢN

ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ

KDH sở hữu quỹ đất sạch, rộng lớn hơn 610 hecta tại Quận Bình Tân, Thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho KDH.

Các dự án đầy đủ về mặt pháp lý như Classia, Clarita, chung cư 150 An Dương Vương được KDH mở bán trong năm 2022, sẽ là nguồn đóng góp chính doanh thu và lợi nhuận cho KDH trong 3 năm tới. Trong dài hạn, các quỹ đất lớn tại các dự án Tân Tạo và Phong Phú 2 sẽ là động lực tăng trưởng cho KDH.

Nhiều dự án gối đầu, tạo dư địa tăng trưởng cho những năm tiếp theo: KCN Lê Minh Xuân mở rộng dự kiến sẽ khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy xử lý nước và chất thải từ Q3/2022 và bắt đầu cho thuê từ năm 2023 với giá thuê đất dự kiến là 260 USD/m2 . KDH đang hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho Corona City và dự kiến sẽ mở bán vào năm 2023.

KDH có cơ cấu tài chính an toàn: KDH là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản ít sử dụng nợ vay. Tính đến cuối năm 2021, nợ vay của KDH là 2.552,5 tỷ đồng, tương đương 25% vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản bị siết tín dụng trong huy động vốn, việc phát triển các dự án dựa trên vốn chủ sở hữu là một lợi thế lớn cho KDH.

KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG VỐN: Trong Q2/2022, KDH sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với kỳ hạn 36 tháng, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền và lãi suất cố định 9-10%. Trong đó, 1.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để đền bù và giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Tân Tạo và xây dựng và phát triển dự án chung cư tại quận Bình Tân và 400 tỷ đồng để xây dựng và phát triển dự án Classia.

KẾT QUẢ KINH DOANH LŨY KẾ NĂM 2021


Doanh thu thuần 2021 KDH đạt 3.738 tỷ đồng (-18%yoy), doanh thu không đạt kỳ vọng do việc mở bán và bàn giao dự án Classia (trước đây là Armena) dời sang 2022. Do tác động của sóng COVID thứ 4 nên KDH chỉ bán được 28 căn (-94% n/n) tại Verosa Park và Lovera Vista vào năm 2021.

Lợi nhuận gộp cả năm 2021 giảm 9%yoy tuy nhiên nhờ việc tối ưu tiết giảm chi phí bán hàng đã giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên 48% so với năm 2020 là 43,3%.

Lợi nhuận khác cả năm đạt 189 tỷ đồng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư mua lại CTCP Nguyên Thư -công ty sở hữu một dự án tại phường Phú Hữu, Tp.Thủ Đức

Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần đạt 3.738 tỷ đồng (-18%yoy), LNST KDH đạt 1.204 tỷ đồng tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 78% kế hoạch về doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

 TRIỂN VỌNG KINH DOANH NĂM 2022:

Trong năm 2022, công ty dự kiến mở bán 3 dự án mới là Classia tại Tp.Thủ Đức (4,3ha với 180 căn thấp tầng), Clarita tại Tp.Thủ Đức (5,8ha với 159 căn thấp tầng) và dự án chung cư ở Quận Bình Tân (1,8ha với ~1.000 căn). Với nguồn cung thấp, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư phát triển và tiềm năng của Tp.Thủ Đức, kỳ vọng tỷ lệ hấp thụ cao tại các dự án này với giá trị bán hàng năm 2022 ước tính hơn 6.400 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2022 ước đạt 3.926 tỷ đồng (+5,5% yoy) và LNST đạt 1.316 tỷ đồng (+9% yoy), chủ yếu nhờ vào việc bàn giao các dự án Classia và Clarita.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT 

Đồ thị ngày KDH

KDH đang dao động trong kênh giá tăng dài hạn, kéo dài từ tháng 4/2021. Kênh giá tăng đi song song với MA 100 và MA 200 ngày, hai đường này duy trì độ dốc đi lên cho thấy xu hướng tăng dài hạn còn bền vững. Từ đầu năm 2022, KDH xuất hiện nhịp điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự tại cạnh trên của kênh giá. Lực cầu đã xuất hiện trở lại trong tuần 14-18/03 khi giá cổ phiếu giảm về vùng hỗ trợ mạnh 50.000 – 51.000 trên MA 100 ngày và cạnh dưới kênh giá, đồng thời cũng trùng hời vùng hỗ trợ tại đỉnh cũ tháng 11/2021 và đáy tháng 1/2022. Việc giá cổ phiếu duy trì trên vùng hỗ trợ mạnh cho thấy khả năng xu hướng tăng giá sẽ quay trở lại, hướng đến vùng giá 61.000 ~ kháng cự mạnh tại cạnh trên của kênh giá, gần với mốc kháng cự tại Pivt R1 trân đồ thị tuần

Trong ngắn hạn, các chỉ báo chưa cho tín hiệu tích cực khi MACD nằm dưới đường số 0, RSI dưới 50 và ở trong trend giảm, cho thấy KDH còn duy trì trong trạng thái tích lũy. Điểm tích cực là MACD Histogram tạo đáy cao dần, phân kỳ dương với giá, cho dấu hiệu đà giảm suy yếu và cổ phiếu sắp tạo đáy.

Thống kê những lần tích lũy trước đó trong kênh giá, KDH thường dao động đi ngang trong trung bình 10 phiên, tương đương 2 tuần để có đà tăng giá. Do đó, KDH có thể tích lũy thêm 1 tuần nữa trước khi hình thành nhịp tăng mới.

Đồ thị tuần KDH – kháng cự 61.000 gần với mốc Pivot R1

Khuyến nghị:

  • Nhà đầu tư có thể mua 50% vị thế KDH tại vùng tích lũy 51.000, và mua 50% còn lại khi giá vượt lên 52.000, cho tín hiệu xác nhận tạo đáy và bước vào xu hướng tăng cho mục tiêu 61.000.
  • Stoploss được đặt tại 49.000, trường hợp xấu giá giảm qua MA 100 ngày, phá vỡ kênh giá tăng dài hạn.

Giao dịch mẫu



Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Triển vọng ngành dầu khí 2022; cơ hội đầu tư PVD

ĐẶC ĐIỂM NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM 

Ngành dầu khí Việt Nam là ngành khá đặc thù và có ít sự canh tranh vì các doanh nghiệp đi sâu vào hoạt động ở các mảng kinh doanh khác nhau, tạo nên chuỗi giá trị ngành dầu khí hoàn chỉnh. Dựa vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành dầu khí được chia thành 3 nhóm như sau:

Nhóm doanh nghiệp khai thác dầu khí và cung cấp dịch vụ ( doanh nghiệp niêm yết: PVD, PVS): Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hầu hết là cùng cấp dịch vụ (cung cấp giàn khoan, thiết kế kỹ thuật, bảo dưỡng). Giá dầu thô biến động ở mức cao sẽ thúc đẩy đầu tư mới và hoạt động khai thác, từ đó mang lại khối lượng công việc lớn và đơn giá dịch vụ cao và ngược lại.

Nhóm doanh nghiệp lọc dầu và tiêu thụ xăng dầu (BSR, PLX, OIL, PSH): tham gia vào quá trình tinh chế dầu thô thành các sản phẩm sử dụng được như xăng dầu thông qua các nhà máy lọc dầu (NMLD) và tiến hành tiêu thụ tại các đại lý xăng dầu nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu là yếu tố quyết đinh đến nhóm này.

  • Nhóm lọc dầu (BSR): Với đầu vào là dầu thô và đầu ra là xăng dầu thành phẩm, lợi nhuận của nhóm sẽ đến từ chênh lệch giá giữa dầu thô và xăng dầu (Crack spread).
  • Nhóm phân phối xăng dầu (PLX, OIL, PSH): Nhập xăng dầu thành phẩm tại các NMLD và phân phối xăng dầu tới tay người tiêu thụ. Với giá bán được tính theo giá cơ sở theo quy định của Chính Phủ, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này đến từ việc và tăng sản lượng và tiết giảm chi phí hoạt động.

Nhóm doanh nghiệp phân phối khí (GAS): tham gia vào quá trình vận chuyển khí tự nhiên ẩm từ các mỏ khí bằng đường ống về các nhà máy chế biến thành khí khô và cung cấp cho các nguồn tiêu thụ. Có hai nguồn thu chính của doanh nghiệp phân phối khí: (1) Chi phí vận chuyển khí (2) Chênh lệnh giữa giá khí khô và mức giá sàn tại miệng giếng.

 BỨC TRANH NGÀNH DẦU KHÍ NĂM 2021:

Trong năm 2021, giá dầu thô tăng mạnh 70% yoy, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành dầu khí hồi phục, tuy nhiên đợt giãn cách xã hội vào Q3/2021 đã kìm hãm đà hồi phục của ngành dầu khí, cụ thể:

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác: Kết quả kinh doanh hồi phục chậm hơn giá dầu do độ trễ trong các hợp đồng khai thác.

- Doanh nghiệp chế biến và phân phối xăng dầu: Kết quả kinh doanh hồi phục theo giá dầu nhưng tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi giãn các xã hội.

- Doanh nghiệp phân phối khí: Tăng trưởng nhẹ nhờ giá khí tăng theo giá dầu, bù đắp sản lượng sụt giảm do dịch bệnh.

TRIỂN VỌNG NĂM 2022:

Ngành dầu khí năm 2022 được dự báo sẽ khả quan hơn nhờ giá dầu được neo ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ hồi phục sau dịch bệnh. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung dầu bị thu hẹp, góp phần thúc đẩy giá dầu tăng.

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác – Triển vọng khả quan nhờ giá dầu ổn định ở mức cao giúp các hoạt động khai thác thăm dò sôi động.

Với dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 70,08 USD/thùng vào năm 2022, cao hơn rất nhiều so với điểm hòa vốn tại khu vực Đông Nam Á (khoảng 48 USD/thùng), các hoạt động khai thác và thăm dò trong khu vực Đông Nam Á sẽ diễn biến sôi động trong năm 2022. Hiện đã có những hợp đồng khoan mới được kí kết từ Q4/2021 cho toàn bộ năm 2022, đây là những tín hiệu cho thấy hoạt động thăm dò và khai thác đang sôi động trở lại.

 2. Doanh nghiệp chế biến và phân phối xăng dầu – Nhu cầu hồi phục giúp lợi nhuận tăng trưởng

Kì vọng năm 2022, nền kinh tế sẽ phục hồi và tình trạng giãn cách xã hội được hoàn toàn gỡ bỏ sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hồi phục. Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong năm 2022 ước đạt 7,5% yoy so với mức nền thấp năm 2021, từ đó mở ra triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong mảng lọc dầu và phân phối xăng dầu.

Về Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, sửa đổi một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP liên quan đến kinh doanh xăng dầu và có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Nghị định có 2 thay đổi quan trọng: (1) Giá xăng dầu sẽ được tính lại sau 10 ngày thay vì 15 ngày như hiện tại, (2) Công thức tính giá mới tính đến giá xăng dầu nhập khẩu và trong nước thay vì chỉ tính đến giá xăng dầu nhập khẩu trong quá khứ. Nghị định này sẽ giúp các doanh nghiệp phân phối xăng dầu dễ dàng điều chỉnh giá phù hợp với sự thay đổi giá dầu thế giới và chủ động hơn trong việc tiết giảm chi phí giúp ổn định biên lợi nhuận.

 3. Doanh nghiệp phân phối khí – Khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ hồi phục trên nền giá khí cao

Năm 2021, giá khí hồi phục mạnh theo giá dầu Brent tuy nhiên sản lượng không đạt kì vọng do nhu cầu thấp. Năm 2022 giá khí được kỳ vọng duy trì ở mức cao và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối khí tự nhiên sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu tiêu thụ khí hồi phục:

CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ:  PVD – Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí


THÔNG TIN CƠ BẢN

PVD là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giàn khoan, dịch vụ kỹ thuật về khoan và giếng khoan dịch vụ cung ứng nhân lực trong lĩnh vực khoan và giếng khoan dầu khí (ngoài khơi lẫn trên đất liền). PVD có doanh thu biến động mạnh qua các năm phụ thuộc vào nhu cầu thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Năm 2021, hoạt động kinh doanh của PVD tiêu cực do hiệu suất các dàn khoan thấp trong Q1/2021, kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lỗ sau thuế 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVD ghi nhận sự phục hồi trong những tháng cuối năm khi hiệu suất giàn khoan tự nâng trong Q3/2021 là 88% (so với mức 55% đầu năm) và bắt đầu có những hợp đồng khoan mới được kí kết đến 2022. Kết thúc năm 2021, PVD ghi nhận doanh thu thuần 3.988 tỷ đồng (-23,73% yoy) và thoát lỗ khi đạt LNST 36 tỷ đồng (-80,4% yoy).


KQKD PVD 5 quý gần nhất

Triển vọng: Với giả định giá dầu thô được neo ở mức cao khoảng 70 USD/thùng trở lên vào 2022, cao hơn mức hòa vốn khai thác dầu khí tại các quốc gia Đông Nam Á (Khoảng 48 USD/thùng), hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực được kỳ vọng trở nên sôi động kéo theo nhu cầu thuê giàn khoan tăng, mang lại triển vọng tăng trưởng cho PVD.


Hiện tại, các giàn khoan của PVD đều có ké hoạch hoạt động trong năm 2022, trong đó, 4 trên 6 giàn khoan của PVD đã có đơn hàng cho thuê đến hết năm, cho thấy hiệu suất hoạt động có sự cải thiện lớn so với năm 2021 có nhiều gián đoạn.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Đồ thị tuần PVD

Trên đồ thị, PVD đang thiết lập đỉnh cao nhất kể từ năm 2016, vượt qua kênh giá sideway dài hạn. Trong tuần này, giá cổ phiếu hiện đang vượt lên vùng đỉnh 35.000 đầu năm 2022. Xu hướng tăng đang tiếp diễn khi giá cổ phiếu tiếp tục hình thành các đỉnh và đáy mới, các chỉ báo kỹ thuật cũng cho tín hiệu tích cực, ủng hộ cho đà tăng trong trung và dài hạn của PVD (các đường MA dốc lên, MACD duy trì trên đường số 0, RSI duy trì trên 50). Sau khi vượt qua kênh giá sideway từ 2016, PVD có thể tiến đến vùng giá 42.700 ~ kháng cự tại mốc Pivot R2 và mục tiêu theo nguyên lý đối xứng.


Đồ thị ngày PVD

Trên đồ thị ngày, PVD tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng giá 37.000, gần mốc Pivot R1. Giá cổ phiếu cũng tạo gap trong phiên vượt đỉnh 02/03, do đó khả năng PVD sẽ điều chỉnh về vùng 35.000 lấp gap và test lại đỉnh cũ vừa vượt qua, sau đó mới tiếp tục đà tăng giá.

Khuyến nghị:

  • Nhà đầu tư có thể mua vào PVD tại vùng giá 35.000 – 36.000 cho mục tiêu 42.700
  • Stoploss được đặt tại 33.000, trường hợp PVD giảm trở lại dưới vùng đỉnh cũ.

Giao dịch mẫu