Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

FPT - Cập nhật KQKD 9T/2021

CTCP FPT 


KẾT QUẢ KINH DOANH 9T/2021

Sau 9 tháng năm 2021, FPT đạt doanh thu 24.953 tỷ đồng (+17,9% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 4.575 tỷ đồng (+20% yoy). Cả doanh thu và lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng tích cực với động lực chính từ mảng công nghệ và viễn thông. Hoàn thành khoảng 72% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Như vậy trong quý 3/2021 FPT đạt doanh thu 8.725 tỷ đồng (+15,1% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.638,8 tỷ đồng (+18,2% yoy).

KHỐI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

  • Trong 9 tháng, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT tại nước ngoài) doanh thu đạt 14.294 tỷ đồng (+22,1% yoy)  và lợi nhuận trước thuế đạt 2.097 tỷ đồng (+30,4% yoy).
  • Khối công nghệ hiện đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế, giữ vững vị thế khối kinh doanh chủ lực của Tập đoàn.

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài: Doanh thu đạt 10.415 tỷ đồng (+18,6% yoy), lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng (+22,1% yoy.

  • Doanh thu tăng tại mọi khu vực, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu nhờ tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt mức cao và các hoạt động của nền kinh tế dần hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm, FPT liên tục ghi nhận những đơn hàng lớn, trong đó có 16 dự án với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Doanh thu từ chuyển đổi số trong 9 tháng đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Low code…

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước: Doanh thu đạt 3.880 tỷ đồng (+32,3% yoy) và lợi nhuận trước thuế  đạt 365 tỷ đồng(+92,7% yoy).

  • Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Made by FPT ghi nhận 415 tỷ đồng doanh thu( +54,9% yoy). Đây là kết quả của việc chú trọng phát triển các giải pháp, nền tảng Made by FPT, cũng như hoàn thiện năng lực cung cấp sản phẩm – dịch vụ chuyển đổi số toàn diện phục vụ nhu cầu của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh đại dịch đẩy nhanh hơn nữa việc dịch chuyển sang môi trường số.
  • FPT triển khai Chương trình FPT eCovax cung cấp giải pháp công nghệ toàn diện, các chương trình đào tạo, tọa đàm nhằm tư vấn tổng thể và giúp các địa phương, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường kháng thể, thích ứng linh hoạt trong mọi diễn biến dịch bệnh.

Mảng viễn thông duy trì tăng trưởng biên lợi nhuận: Doanh thu đạt 9.232 tỷ đồng (+11% yoy) và lợi nhuận trước thuế  đạt 1.783 tỷ đồng ( +21,9% yoy. Nhờ lợi nhuận từ mảng truyền hình gia tăng, cùng với việc tạm hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên 9 tháng năm 2021, biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ Viễn thông, bao gồm dịch vụ băng thông rộng và dịch vụ khác, tiếp tục cải thiện, lần lượt đạt 20,8% và 14%.


TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ:

Dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài:

  • Tăng trưởng LNTT 2022 ước tính lên mức 25,6% YoY nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của chi tiêu CNTT toàn cầu (theo dự báo của Gartner).
  • Tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số (DX) trên doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài trong 8T2021 đạt mức 36% so với 29% trong 8T2020, do đó biên lợi nhuận trước thuế tăng 20 bps YoY lên 16,1%.
  • Theo công ty, Nhật Bản - thị trường dịch vụ CNTT nước ngoài lớn nhất theo kế hoạch sẽ tăng trưởng khoảng 12%-13% trong 2022 (cao hơn nhiều so với 3% YoY trong 6T2021) trong khi đó thị trường Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu duy trì tăng trưởng 2 con số.

Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước:

  • Tăng trưởng LNTT 2022 ước tính duy trì 2 con số là 33% YoY, theo ban lãnh đạo. Cụ thể, giá trị ký mới trong 8T2021 vẫn ở mức cao 38% YoY.
  • Dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước và điều này đã và đang thể hiện trên kết quả 9T/2021 vừa qua, kỳ vọng quá trình này sẽ còn phải tiếp diễn theo như dự báo của Gartner.

ƯỚC TÍNH KQKD 2021 VÀ ĐỊNH GIÁ


Năm 2021, FPT được kỳ vọng sẽ vượt kế hoạch kinh doanh, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 20% trong 3 tháng cuối năm. Qua đó, doanh thu thuần ước đạt đạt 35.692 tỷ đồng (+19,3% yoy) và LNTT đạt 6.392 tỷ đồng (+21,5% yoy) nhờ trong quý 4 nền kinh tế đã mở cửa một phần sau dịch, tác động tích cực đến phân khúc dịch vụ CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến; và ước tính chi tiêu cho CNTT toàn cầu vẫn duy trì đà tăng cho đến năm 2022.

EPS forward ước đạt 4.735 đồng/cổ phiếu. Với mức P/E trung bình các công ty công nghệ và viễn thông ở Châu Á là 21,6x, giá trị hợp lý của FPT vào cuối năm 2021 là 102.300 đồng/cp.

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT VÀ CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH

Đồ thị tuần FPT

Trên đồ thị tuần, FPT đã có lần thứ hai vượt lên vùng kháng cự 94.000 của mốc Pivot R4.Với việc đã vượt qua mốc Pivot R4, FPT có thể hướng đến kháng cự tiếp theo tại mốc Pivot R5, tương đương vùng giá 108.700. Tuy nhiên, chỉ báo RSI đang có dấu hiệu phân kỳ âm với giá, khi có các đỉnh thấp dần, ngược với chiều tăng của giá, dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đăng yếu đi.

Đồ thị ngày FPT

Trên đồ thị ngày,FPT đang điều chỉnh về cạnh dưới của kênh giá tăng từ tháng 6/2021. Chỉ báo MACD cũng cho dấu hiệu phân kỳ âm với giá. Bên cạnh đó, RSI dốc xuống tiệm cận mốc 50, cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần. Trong kịch bản tích cực, FPT có thể chuyển sang xu hướng sideway nếu giữ trên vùng 94.000, và sau thời gian tích lũy này có thể quay trở lại xu hướng tăng giá.

Khuyến nghị:

  • Nhà đầu tư giai đoạn này có thể tiếp tục nắm giữ FPT nếu giá vẫn tiếp tục duy trì trên vùng hỗ trợ mạnh 94.000  cho mục tiêu 108.700. Khi giá cổ phiếu tiến đến vùng giá trị hợp lý 102.300, nhà đầu tư có thể chốt lời dần
  • Stoploss được đặt tại 92.500, trường hợp giá đóng cửa dưới đường MA 50 ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét